Lá é vẫn còn xa lạ đối với người dân miền Bắc nhưng nó lại là thứ rau cay nồng được ưa thích và sử dụng nhiều trong các món ăn của các tỉnh Nam Trung Bộ. Đặc biệt và nổi tiếng hơn cả đó là món lẩu gà lá é Phú Yên. Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để đến Phú Yên, học cách làm lẩu lá é là cách đơn giản nhất để thưởng thức món ăn này. Tự làm, tự ăn ngay tại nhà với hướng dẫn cách nấu lẩu lá é chi tiết của chúng tôi.
Lẩu gà lá é ngoài thịt gà là nguyên liệu chính thì lá é được coi là linh hồn tạo nên mùi vị riêng biệt, lạ lẫm, khó quên. Lá é ăn sống thì có vị chua chua, chát chát nhưng khi cho vào nồi lẩu thì lá é lại có những chuyển biến bất ngờ với vị bùi, hơi the the và mang hương thơm đặc trưng.
Lẩu gà lá é được biết đến không chỉ là một món ăn ngon, lạ miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe. Thời tiết trở lạnh, mọi người rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Một nồi lẩu lá é sẽ xua tan đi cái lạnh và giúp bạn khỏi cảm cúm nhanh chóng.
1. Nguyên liệu làm lẩu lá é
- Gà ta: khoảng 1 đến 1,5 kg
- Lá é trắng: 300g
- Măng tươi: 300g
- Nấm bào ngư: 300g
- 8 trái ớt hiểm (ớt xiêm xanh)
- Sả, hành tím, chanh
- Bún tươi hoặc mì giấy
- Gia vị: mắm, muối, bột ngọt, hạt nêm
2. Cách làm lẩu lá é ngon chuẩn vị Phú Yên
Cách làm lẩu lá é không khó nhưng bạn cũng cần để ý ngay cả với những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt nhất. Vì tất cả công đoạn bạn làm đều quyết định đến độ thơm ngon của nồi lẩu gà lá é.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, bạn sẽ bắt đầu thực hiện cách làm lẩu lá é. Gà và măng là hai nguyên liệu cần sơ chế cẩn thận và kỹ lưỡng hơn cả.
Có thể mua gà đã làm sẵn để rút ngắn thời gian chế biến. Nếu mua cả con, bạn cần làm sạch lông, dùng muối chà xát lên cả con gà để khử mùi hôi tanh, sau đó rửa lại nhiều lần với nước và chặt gà thành những miếng nhỏ.
Lá é đem nhặt lấy lá và ngọn tươi non, rửa với nước tầm 3 lần cho sạch rồi vớt ra để ráo. Sả bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch, dùng 2 nhánh để thái lát mỏng, 3 nhánh cắt thành các khúc ngắn, đập dập. Hành tím bóc vỏ, rửa sạch và lấy 2 củ để thái lát mỏng, 3 củ còn lại để nguyên. Ớt hiểm, chanh bỏ cuống và rửa với nước.
Măng tươi cắt thành những miếng vừa ăn, rửa sạch, cho vào nồi, thêm ít muối hạt và đun sôi trong khoảng 15 phút để loại bỏ hết độc tố. Bạn không nên đậy nắp để cho các độc tố và tạp chất có trong măng được bay hơi.
Nấm bào ngư cắt bỏ gốc, đem rửa sạch rồi ngâm với nước muối khoảng 10 phút. Sau đó bạn rửa lại nấm 1 lần nữa, có thể xé nhỏ nấm bào ngư và để ráo.
Bước 2: Ướp gà với lá é
Để khử mùi hôi của gà và để thịt gà có mùi vị đặc trưng của lẩu lá é, bạn cần làm một hỗn hợp sền sệt từ một chút lá é cùng với 3 củ hành tím, 3 trái ớt hiểm được giã nhuyễn. Đổ hỗn hợp này vào bát đựng gà cho thêm 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê tiêu xay, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm, trộn đều và ướp gà trong vòng 30 phút.
Bước 3: Nấu lẩu lá é
Đây là bước cuối cùng trong cách làm lẩu lá é, cho vào nồi 2 thìa dầu ăn, chờ dầu nóng thì cho hành tím, sả vào phi thơm. Đổ phần thịt gà đã được ướp vào đảo đều tay đến khi thịt gà hơi săn lại.
Cho khoảng 2 lít nước vào nồi đang xào gà, bỏ cùng phần sả đã được cắt khúc, đập dập và đun sôi. Cuối cùng, cho phần măng đã luộc vào trong nồi lẩu và nêm nếm gia vị cho vừa miệng, đợi nước sôi lên thì tắt bếp. Dựa vào khẩu vị của mọi người mà bạn có thể cho thêm ớt hiểm vào nồi lẩu với số lượng thích hợp.
Bước 4:Trình bày và thưởng thức món lẩu gà lá é
Hoàn thành cách làm lẩu lá é thì bạn chuyển sang bếp lẩu chuyên dụng để ăn lẩu. Sắp xếp và bày biện nguyên liệu sao cho đẹp mắt và thuận tiện nhất. Một nồi lẩu lá é thành công sẽ có đầy đủ bốn vị chua cay mặn ngọt.
Cắn một miếng gà bạn sẽ cảm nhận được vị dai giòn thấm đẫm mùi vị của lá é, ớt tiêu xanh. Tiếp đến thử một miếng măng để có được vị chua chua dịu nhẹ. Nước lẩu ngọt và thơm nồng là sự hòa trộn của tất cả các nguyên liệu tạo nên hương vị ấn tượng.
Trong quá trình ăn lẩu, bạn cần có một lưu ý nhỏ đó là chỉ nên nhúng lá é ít một để nồi lẩu không bị hăng và nồng quá mức. Lẩu gà lá é có thể ăn cùng bún hay mì đều được, tùy thuộc vào sở thích của mỗi người.
3. Lẩu lá é nên ăn với rau gì?
Lẩu lá é, cái tên đã nói lên tất cả, lá é là loại rau chính trong món lẩu này. Đối với nhiều người chỉ cần lá é là đủ nhưng nếu bạn vẫn muốn nồi lẩu trở nên phong phú, đa dạng hơn thì có thể lựa chọn thêm các loại rau và nấm khác như: rau muống, rau chuối, rau ngải cứu, nấm kim châm, nấm đông cô, nấm hương. Lẩu lá é thật sự rất hợp với các loại nấm nên cứ tùy ý mà thêm nguyên liệu này vào để ăn kèm.
4. Cách làm muối lá é chấm gà
Một bữa lẩu hoàn hảo thì không thể thiếu một bát nước chấm đặc sắc. Muối lá é không chỉ chấm gà ngon mà bạn cũng cần nắm giữ công thức của thức chấm nổi tiếng này để chấm trái cây, các món hải sản hay thịt nướng.
Cho vào cối một nắm lá é, 2 trái ớt, 1 muỗng canh muối trắng và sử dụng chày để giã nhuyễn. Sau đó, bạn đem rang hỗn hợp trên lửa nhỏ cho đến khi hạt muối tơi là được. Nếu làm nhiều thì bạn cho vào lọ để bảo quản và dùng dần. Dùng ngay thì cho thêm một ít chanh và ít bột ngọt là bạn có được một bát nước chấm gà ngon tuyệt vời.
>>>> Note ngay công thức chế biến món lẩu thơm ngon, lạ miệng tại đây:
- Hướng dẫn cách làm lẩu giấm đậm đà, thơm ngon
- Chi tiết cách làm lẩu mì udon đơn giản dễ làm, tại nhà
- #Bật mí cách nấu lẩu oden thơm ngon, đúng điệu
Bạn có thấy cách làm lẩu lá é rất đơn giản? Sau bài viết này của Michelia bạn lại bỏ túi cho mình thêm một công thức món ăn ngon để có thể chiêu đãi bạn bè và thỉnh thoảng đổi món cho gia đình.